Thành Phố Ballarat

 
Cách Melbourne gần 100km về phía tây, Ballarat là điểm đến thú vị với nhiều câu chuyện lịch sử hấp dẫn.
Năm 1838, một người Scotland di cư đã dừng chân, cắm đất bên bờ biển Black Swamp, và lịch sử vùng đất này bắt đầu từ đó. Ballarat được cho là kết hợp hai chữ Balla và Arat (nghỉ ngơi hoặc nơi cắm trại). Trước kia người ta viết cả hai cách Ballaarat và Ballarat, tới 1994 Hội đồng TP chính thức chọn tên Ballarat. Nó được biết tới nhiều không chỉ vì là TP lớn thứ ba ở Victotia, mà chính vì ở đó người ta đã tìm thấy rất nhiều vàng, có những cục vàng lớn nhất thế giới.
Vàng được phát hiện từ 1851, năm sau khoảng 20.000 người đã đổ tới vùng này. Thị trấn Ballarat hình thành, phát triển thành thị xã năm 1863 và năm 1870 đã là một TP.
 
 
Huyền thoại vàng Ballarat
Đầu những năm 1850, chính quyền Melbourne đã cấp phép khai thác vàng, tìm được vàng hay không cũng phải nộp phí. Các thợ mỏ vàng rất khổ, không có tiếng nói trong xã hội và luôn bị nhũng nhiễu. Năm 1854, cảnh sát gia tăng kiểm tra giấy phép 2 lần/tuần khiến thợ mỏ rất bất bình. RồiJames Scobie bị giết tại KS Eureka của Bentley mà ông ta không bị kết tội. Ngọn lửa âm ỉ bấy lâu đã bùng cháy: Ngày 12/10/1854 các thợ mỏ nổi dậy, đốt cháy KS Eureka. 3 người vào tù nhưng Bentley chỉ bị tội ngộ sát.
 
 
Một tháng sau, Liên đoàn Cải cách Ballarat thành lập, ra yêu cầu bãi bỏ giấy phép khai thác vàng, giải phóng cho thợ mỏ. Chính quyền không chấp nhận mà dựng hàng rào quanh khu vực của họ khiến mâu thuẫn càng tăng. Sáng 3/12/1854 quân chính phủ (khi đó là Hoàng gia Anh) bất ngờ tấn công. Các thợ mỏ đốt giấy phép của họ để phủ nhận chính quyền. Dưới sự lãnh đạo của Peter Lalor, họ giương cao lá cờ có chữ thập trắng giữa nền xanh da trời, dũng cảm chiến đấu, nhưng lực lượng quá chênh lệch nên họ nhanh chóng bị đè bẹp. 30 thợ mỏ ngã xuống, 114 người bị bắt và 15 người cố thủ trong mỏ. Quân đội kêu gọi đầu hàng nhưng họ quyết hy sinh tới người cuối cùng vì khát vọng tự do!
Máu của họ không uổng phí: Khoảng 6 tháng sau, điều luật mới công bằng hơn được phê chuẩn: Bãi bỏ thuế vàng hàng tháng, thợ mỏ được quyền bầu cử, trả tự do cho những người bị kết án vì đốt KS. Peter Lalor trở thành thành viên đầu tiên đại diện cho Tây Ballarat trong Quốc hội, rồi thành chủ tịch Hạ viện…
 
 
Năm 1858, mỏ vàng Welcome Nugget lớn thứ hai ở Úc được tìm thấy tại Bakery Hill. Khi lượng vàng ở phía Đông đã giảm, người ta mở rộng khai thác ở phía Tây và Nam Ballarat. Những lò đúc lớn được xây dựng để cung cấp các thiết bị hầm mỏ. Ballarat phát triển nhiều ngành công nghiệp và nông nghiệp khác. Năm 1862, tuyến đường sắt được xây dựng tạo thêm cơ hội phát triển vùng này. Tới 1918, khi mỏ vàng cuối cùng đóng cửa thì Ballarat đã sản xuất khoảng 640.000 kg vàng, và có đủ ngành công nghiệp, dịch vụ. Ngày nay đây là TP công nghiệp lớn với nhiều công ty nổi tiếng, với những sản phẩm như vàng, đất sét, khoai tây, len và thịt…
 
Ở khu mỏ vàng (Ballarat Sovereign Hill), thị trấn Ballarat xưa được tái hiện sinh động khiến bạn như lạc vào thế giới huyền thoại xưa: Những cỗ xe ngựa cổ chạy trên con đường đất nhỏ, những dãy nhà, cửa hàng bằng gỗ, những túp lều bên suối... Trong trang phục thuở xưa, nhân viên khu bảo tồn hóa thân thành thợ rèn, làm bánh, bán hàng hay cư dân đi lại chuyện trò, những thợ mỏ đẩy xe cút kít, phụ nữ mua thực phẩm hay xách nước, chuẩn bị bữa ăn...
Thú vị hơn khi được tự tay đãi vàng và có quyền hưởng những hạt vàng nếu bạn may mắn tìm thấy…
Kế bên khu mỏ là Bảo tàng Vàng với nhiều hiện vật giúp du khách hiểu thêm về lịch sử vùng đất này. Từ các dụng cụ làm nghề vàng xưa, những cục vàng lớn đã khai thác ở đây và nhiều trang sức lạ mắt. Những bộ vòng cổ lớn chế tác tinh xảo, dùng cho hoàng gia và các trưởng giả xưa....
 
 
Một điều ấn tượng nữa: Thợ mỏ nổi dậy chống chính phủ Hoàng gia, vậy mà dấu ấn của họ vẫn được lưu giữ rất trân trọng: Lá cờ khởi nghĩa ngày ấy đã rách tả tơi, chỉ còn một mảnh thẫm màu thời gian, được bảo tồn kỹ lưỡng ở Bảo tàng. Còn có nhiều hình ảnh cuộc nổi dậy và bảng ghi tên những người đã hy sinh.
Ngay trước Bảo tàng, tượng Henry Bolte rất sinh động chìa bàn tay thân thiện. Dưới chân tượng ghi lời giới thiệu về ông, một trong những người cuối cùng của cuộc chiến năm xưa...
 
 
Cuộc khởi nghĩa in đậm dấu ấn trong lịch sử, tinh thần Ballarat trở thành một biểu tượng cho nước Úc. Những người khởi nghĩa chọn Southern Cross (chòm sao Phương Nam) làm lá cờ đầu tiên, đấu tranh cho tự do. Và nó được đặt trang trọng trên quốc kỳ, trở thành biểu tượng cho nước Úc hiện đại, với ý nghĩa nước Úc là chòm sao sáng ở phía Nam bán cầu. Ga trung tâm Melbourne mang tên Southern Cross - là nơi tập trung các chuyến tàu liên vùng và liên bang.
 
Trong Quốc ca Úc có đoạn rất hay: "*Beneath our radiant southern Cross, we'll toil with hearts and hands, to make this Commonwealth of ours Renowned of all the lands... "-Dưới ánh sáng Chòm sao Phương Nam, chúng ta sẽ lao động với cả trái tim và bàn tay để làm cho cộng đồng của chúng ta rạng danh khắp mọi nơi...
 
 
 
 

Blog du lịch khác

Xem thêm