Canberra – Khúc giao mùa

Nằm cách Sydney 160km, ở độ cao khoảng 580m so với mặt biển, Canberra có dòng sông Molonglo êm đềm chảy qua, có nhiều đồi núi và cao nhất là núi Majura 888m. Với diện tích 814,2km2 và trên 380.000 dân, đây là thành phố nội địa lớn nhất và đứng thứ 8 trong các thành phố lớn ở Úc. Tôi tới Canberra một ngày đầu tháng 6. Đây đó, thông và các loài cây thường xanh vẫn còn sắc thắm nhưng những hàng phong và nhiều loại cây đã chuyển qua sắc vàng, đỏ hay nâu. Xen vào bức họa đó là màu xám, trắng của những cây đã rụng hết lá chỉ còn bộ khung trơ trụi. Mùa thu đang qua, mùa đông đang tới với sương giá mỗi sáng sớm và những cơn gió lạnh. Tất cả như đang hòa nhịp cùng thiên nhiên trong khúc giao mùa. 

Có nhiều giả thuyết về cái tên Canberra. Nó có thể xuất xứ từ chữ Kambera hay Canberry, tiếng Ngunnawal bản địa nghĩa là nơi gặp gỡ. Canberra (Nganbra hay Nganbira) còn có nghĩa là bộ ngực của phụ nữ, cũng là tên bản địa của hai ngọn núi Đen và Ainslie gần như đối diện nhau. Hay có thể nó xuất phát từ Canberry- một loài cây rất phổ biến ở vùng này…
Ngày 1-1-1901, sáu thuộc quốc gồm New South Wales (thủ đô là Sydney), Victoria (thủ đô là Melbourne), Queensland (thủ đô là Brisbane), Western Australia (thủ đô là Perth), South Australia (thủ đô là Adelaide), Northern Territory (thủ đô là Darwin) và Australian Capital Territory (thủ phủ nước Úc- Canberra) hợp nhất thành nước Úc, tên chính thức là The Commonwealth of Australia, thuộc khối Liên hiệp Anh. Năm 1908, cuộc cạnh tranh dai dẳng về việc đặt thủ đô ở đâu giữa hai thành phố lớn nhất là Sydney và Melbourne đã đi tới thỏa hiệp: Chính quyền tạm thời đặt ở Melbourne, và bang New South Wales nhượng lãnh thổ Canberra cho chính phủ liên bang để xây dựng thủ đô (Australian Capital Territory- ACT - lãnh thổ thủ đô Úc).

Canberra bắt đầu được xây dựng năm 1913 sau cuộc thi quốc tế để tìm kiếm thiết kế tốt nhất, và Walter Burley Griffin - kiến ​​trúc sư nổi tiếng thế kỷ 20 của Mỹ đã được chọn. Ông thiết kế trung tâm thành phố với nét đặc trưng là những họa tiết hình học, hình lục giác đồng tâm, những con đường bát giác chạy quanh một tâm điểm và tập trung vào các trục phù hợp với địa hình. Nên nhìn vào bản đồ Canberra, con đường chính thẳng tắp như một trục lớn kết nối hai cụm trung tâm thương mại City Centre và trung tâm hành chính Capital Hill giống như hai “bánh xe” hay “mạng nhện” lớn với hình dạng tựa như bát quái đồ.
Địa danh nổi tiếng nhất ở Canberra là hai Tòa nhà Quốc hội đều rất đẹp và uy nghi. Tòa nhà Quốc hội Cũ là nơi Quốc hội Liên bang làm việc từ tháng 5-1927 tới tháng 5-1988. Trong dịp kỷ niệm 200 năm nước Úc, Tòa nhà Quốc hội Mới đã khai trương tại Capital Hill.

Hết sức hiện đại với kiến trúc độc đáo và ấn tượng, tòa nhà này gần như "ẩn mình" dưới đất, trên nóc có những thảm cỏ xanh ngắt và cột cờ vĩ đại với 4 chân vươn cao ngất. Tôi ráng dầm mình trong mưa và gió lạnh để chụp được những tấm hình trên nóc tòa nhà đặc biệt này.

Còn bên trong, thực ấn tượng khi bước vào sảnh rộng mênh mông với sàn lát đá và những hàng cột đá rất hoành tráng.

Ở Tòa nhà này có rất nhiều điều thú vị để khám phá và suy ngẫm: Từ dãy hành lang tráng lệ, các phòng làm việc, nhiều hình ảnh và hiện vật về lịch sử hoạt động Quốc hội tới các bản thỏa thuận giao đất giữa lãnh tụ của 8 bộ tộc thổ dân với chính quyền khi đó, hay những kỷ vật mà các quốc gia tặng nhân dân Úc. Gương mặt các nghị sĩ và lãnh đạo Quốc hội Úc qua các thời kỳ được giới thiệu đầy đủ, thậm chí có riêng một mảng hình ảnh các nữ nghị sĩ quốc hội. Đặc biệt là bên cạnh hình ảnh của đảng cầm quyền luôn có đảng đối lập với những gương mặt tiêu biểu và được trưng bày trân trọng như nhau.

Rất ấn tượng là tấm hình và bản cam kết của một vị vua được trưng bày trang trọng kèm theo lời giải thích: Thời đó, bởi sự lộng hành của hoàng gia và nạn tham nhũng khiến xã hội Anh rối ren, người dân chán ghét, mất lòng tin. Khi quân Pháp tấn công nhiều người không chịu nhập ngũ, binh sĩ mất tinh thần nên quân Anh thua trận liên tiếp. Trước tình cảnh đó, nhà vua phải viết cam kết thượng tôn pháp luật. bất kể là vua hay người trong hoàng gia và quan chức đều phải chịu sự chi phối của pháp luật. Nhờ vậy, quân Anh có thêm sức mạnh để thắng trở lại. Từ đó thượng tôn pháp luật trở thành một truyền thống trong tất cả các triều đại ở Anh cũng như các thuộc địa.
Cũng rất ấn tượng là hai phòng họp lớn của Thượng viện và Hạ viện ở hai bên toà nhà với thiết kế và màu sắc khác nhau. Rất dễ hiểu, đó là nơi các nghị sĩ quốc hội họp bàn những vấn đề quốc kế dân sinh. Điều đáng nói là các nhà báo, người dân và cả du khách đều có thể vào "dự thính", theo dõi cuộc họp từ những hàng ghế trên lầu. Du khách thường thích chụp hình kỷ niệm ở những hàng ghế đặc biệt này... Tất cả những điều đó tạo cho ta cảm giác Tòa nhà Quốc hội không hề cao xa mà rất gần gũi, thân thiện; Và cảm nhận được sự quan tâm chu đáo của quốc hội, của nhà nước với người dân. Rất dễ hiểu tại sao Tòa nhà Quốc hội trở thành niềm tự hào của người Úc, thành điểm tham quan nổi tiếng và không thể thiếu khi tới Canberra.

Từ Tòa nhà Quốc hội Mới có thể nhìn thấy Tòa nhà Quốc hội Cũ ở gần đó, quay cùng hướng. Nay nó đã trở thành một bảo tàng, nơi bạn có thể tham quan, xem triển lãm nghệ thuật, thư giãn trong quán cafe ở tiền sảnh hay dạo chơi trong không gian rộng lớn phía trước. Ở công viên trước tòa nhà có dãy lều trại với những dây cờ nhiều màu, giữa thảm cỏ dựng cây cột tựa như cây nêu Việt Nam và cả dấu vết của đống lửa trại lớn. Đó là “khu định cư” tự phát của một số thổ dân Úc. Nhiều năm nay họ đã biểu tình đòi đất, dựng lều trại và sinh sống ở đây ngày càng đông.

Capital Hill chính thức được đặt tên ngày 12-3-1913. Để kỷ niệm mốc lịch sử đó, ACT tổ chức lễ hội Canberra Day hàng năm vào ngày thứ hai tuần thứ hai của tháng 3. Trên bảng số xe ở Canberra thường có câu slogan: “Heart of the national”. Thủ đô đúng là trái tim của đất nước, còn trái tim của Canberra chính là Capital Hill - trung tâm hành chính quốc gia, nơi tọa lạc Tòa nhà Quốc hội hiện nay và nhiều cơ quan chính phủ. Từ Tòa nhà Quốc hội cũng có thể nhìn thấy Anzac Parade - Đài tưởng niệm Chiến tranh Úc bên chân núi Ainslie. Khu vực này còn có nhiều cơ sở xã hội và văn hóa quốc gia, cơ quan ngoại giao và tổ chức quốc tế. Nhiều tòa nhà chính phủ Liên bang mở cửa cho công chúng tham quan miễn phí như Tòa nhà Quốc hội, Tòa án Tối cao, Hoàng gia Australia Mint

Bảo tàng - Thư viện quốc gia

Sau chiến tranh, Canberra từng bị chỉ trích như một “ngôi làng xấu xí”, nhưng trong hơn một thập kỷ thủ tướng Robert Menzies cầm quyền, thành phố đã phát triển rất nhanh. Từ năm 1955 đến 1975, dân số Canberra tăng hơn 50% mỗi năm năm, và dự án nhà ở chính phủ được thực hiện để đáp ứng sự gia tăng đó. Nhiều công trình hiện đại mọc lên. Đại học Quốc gia Úc với những tác phẩm điêu khắc và tượng đài. Bảo tàng - Thư viện Quốc gia, Tòa án Tối cao, rồi những tòa nhà lớn trên bờ biển...

Bên sông Molonglo

Sau 4 năm thi công, hồ Burley Griffin đã hoàn thành năm 1964. Hồ rất lớn, thiết kế khá đặc biệt với mặt nước trải dài từ đông sang tây, bao quanh Capital Hill và chia thành phố thành hai nửa, như tấm gương trong xanh lung linh tôn thêm vẻ đẹp của Canberra.
Người bạn Canberra nói rằng hàng năm ở thành phố này có nhiều sự kiện văn hóa quốc gia như các lễ hội dân gian, Royal Canberra Show, các lễ hội xe hơi Summernats, Stonefest, Giác Ngộ, Đa văn hóa... Đặc biệt là Floriade - lễ hội hoa lớn nhất ở Nam bán cầu, tổ chức tại Commonwealth Park mỗi mùa xuân. Không chỉ giới thiệu các loại hoa đẹp và phong phú, lễ hội còn khuyến khích các hoạt động môi trường và sử dụng năng lượng xanh. Mỗi tháng 3, thành phố càng sôi động với chuỗi lễ hội kết hợp với Canberra Day. Trong 9 buổi sáng tháng 3, từ bãi cỏ trước Toà nhà Quốc hội Cũ, những chiếc khí cầu đủ hình dáng, kích cỡ và màu sắc cùng bay lên, những màn trình diễn kỳ diệu và ấn tượng của Lễ hội Khí cầu Canberra
Bảo tàng Canberra và Phòng triển lãm thành phố là kho lưu trữ lịch sử, nghệ thuật của địa phương và một bộ sưu tập nhà ở rất độc đáo. Khi tham quan những địa chỉ lịch sử như trang trại Lanyon và Tuggeranong, Mugga-Mugga và Blundell 'Cottage hay ngôi nhà Calthorpes…bạn sẽ hiểu thêm về cuộc sống của những người châu Âu đầu tiên định cư ở vùng này. 

Khi tiễn tôi, anh bạn vui vẻ nói thêm: "Xuân hạ thu đông, mùa nào Canberra cũng có vẻ đẹp riêng. Nhưng mỗi dịp giao mùa, thiên nhiên đang chuyển mình thì vẻ đẹp ấy càng bộc lộ rõ nét, lạ mắt và ấn tượng hơn...".
Nếu vậy thì quả thực là tôi đã rất may mắn.

Tác giả vũ thanh
Trích www.nhabaovuthanh.com

Blog du lịch khác

Xem thêm